Ngành công nghiệp da giày Việt Nam phát triển rất nhanh và được xem là một trong những ngành công nghiệp chính đưa nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê 2016 đã chiếm 8-10% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng năm cả nước. Bước sang năm 2017, xuất khẩu của ngành sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm 2016. Cụ thể, xuất khẩu dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ.
Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2017 sẽ mở ra nhiều triển vọng hơn cho xuất khẩu giày dép bởi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (FTA VN-EAEU) có hiệu lực sẽ mở rộng cánh cửa thị trường được đánh giá còn nhiều tiềm năng như Nga, Belarus hay Kazakhsta.
Trong năm nay, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là thị trường lớn nhất của ngành Da giày Việt Nam. Trong những năm gần đây, xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào Hoa Kỳ luôn đạt mức tăng trưởng 20%/năm và Việt Nam là nhà xuất khẩu giày dép lớn thứ hai vào thị trường này.
Trước đó, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cũng đưa ra những nhận định lạc quan về xuất khẩu da giày của Việt Nam trong năm 2017.
Theo Lefaso, Trung Quốc tiếp tục chủ trương cắt giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành có công nghệ cao hơn. Vì vậy, có khả năng một số đơn hàng gia công sẽ chuyển dịch về Việt Nam. Trong khi đó, hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực vào đầu năm 2018 với ưu đãi thuế quan hấp dẫn cũng sẽ là động lực thu hút các nhà đầu tư.
Trả lời báo Công Thương, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, năm 2017, doanh nghiệp sản xuất giày, dép trong nước có khả năng không thiếu đơn hàng.
Tuy nhiên, thị trường cũng sẽ có nhiều biến động. Do đó, doanh nghiệp phải luôn bám sát thị trường, nắm bắt thông tin nhằm điều chỉnh định hướng sản xuất, kinh doanh kịp thời.
Cũng theo bà Xuân, doanh nghiệp cần phải tiếp tục nâng cao năng lực nội tại bằng cách đầu tư xứng đáng cho phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ mới, cải tiến hệ thống quản lý sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thời gian giao hàng. Trước mắt, doanh nghiệp trong ngành, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần liên kết để sản xuất được các đơn hàng lớn, tăng sức cạnh tranh.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2016 ngành da giày đạt kim ngạch xuất khẩu 16,2 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2015. Tuy vậy, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 23,6% năm 2014 và 16% năm 2015.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ đạo của các doanh nghiệp trong ngành với trên 4 tỷ USD, chiếm 35,1% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là thị trường EU với hơn 3,72 tỷ USD, chiếm 31,7% tỷ trọng.
Khối Đông Á là thị trường xuất khẩu có sức tăng trưởng nhanh của sản phẩm da giày Việt và chỉ đứng sau Mỹ, EU. Cụ thể, Nhật Bản tăng 20%, Trung Quốc tăng 11,8%, Hàn Quốc tăng 9,3%, Đài Loan 94,6%.Tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 2,6 tỷ USD trong năm 2016.
Trái ngược, xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam sang thị trường ASEAN chỉ tăng ở mức khiêm tốn 1,7%, trong đó xuất khẩu sang Singapore tăng 2,1%, Malaysia tăng 16% nhưng xuất khẩu sang Indonesia giảm 3%, Thái Lan giảm 10%, Philippines giảm 2%.
Lefaso cho biết, khối doanh nghiệp FDI hiện vẫn đóng góp tới 80,8% trong tỷ trọng xuất khẩu của toàn ngành da giầy. Theo Lefaso, xuất khẩu của khối doanh nghiệp này liên tục tăng trong những năm qua là do các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng công suất nhà máy hiện có và xây dựng các nhà máy mới tại Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội được giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do./.
BT theo Cục Xúc Tiến MT