Tiếp nối những kết quả đạt được trong năm 2016, kỳ vọng năm 2017 xuất khẩu nông lâm sản sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Theo dự kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản trong năm 2017 sẽ đạt khoảng 32,5-32,8 tỷ USD.
Phát biểu tại cuộc họp vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2017 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2016 – 2020 trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016.
Tuy vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả 2 nhiệm vụ lớn là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập; trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt 2,5-2,8% và tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành đạt 3,0 - 3,2%.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân thuận lợi, thông thoáng hơn. Năm 2017, Bộ sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia: Là những sản phẩm chủ lực có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và thịt lợn, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh/thành, nhóm sản phẩm vùng/miền.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2016 đạt 32,1 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2015.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 15,1 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đạt 6,99 tỷ USD, tăng 6,4%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt 7,23 tỷ USD, tăng 0,3%.
Trong năm 2016, xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản tăng cả về số lượng và giá trị. Trong đó, mặt hàng cà phê, hạt điều, hạt tiêu là những điểm sáng của xuất khẩu nông sản trong năm 2016.
Cụ thể, xuất khẩu cà phê dẫn đầu với 1,79 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,36 tỷ USD, tăng 33,6% về khối lượng và tăng 25,6% về giá trị so với năm 2015. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016.
Đứng thứ 2 là hạt điều với khối lượng xuất khẩu đạt 347 nghìn tấn và kim ngạch đạt 2,84 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 18,4% về giá trị. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thì trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 34,1%, 14,9% và 13,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.
Tiếp theo là hạt tiêu. Khối lượng xuất khẩu cả năm 2016 đạt 177 nghìn tấn và 1,42 tỷ USD, tăng 34,3% về khối lượng và 12,9% về giá trị. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Pakixtan (gấp 3,14 lần), Philippin (gấp 3 lần), Hoa Kỳ (31,3%), Ai Cập (23,2%), Tây Ban Nha (14%) và Ấn Độ (12%).
Nối tiếp cà phê, hạt tiêu và hạt điều, xuất khẩu cao su năm 2016 cũng có sự gia tăng cả về khối lượng và giá trị với mức tăng tương ứng là 10,6% và 9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, xuất khẩu chè đạt 134 nghìn tấn và 223 triệu USD, tăng 7,3% về khối lượng và 4,9% về giá trị.
Tuy vậy, xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản như gạo, sắn và các sản phẩm sắn lại giảm cả khối lượng và giá trị. Cụ thể, trong năm 2016, xuất khẩu gạo đạt 4,88 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng sắn và các sản phẩm sắn đạt 3,66 triệu tấn và 994 triệu USD, giảm 12,3% về khối lượng và giảm 24,6% về giá trị.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch nhập khẩu toàn ngành đạt 24,5 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong cả năm 2016, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu 7,6 tỷ USD./.